1. Tác dụng trị ho
Hiện nay, nhiều người sau mắc COVID-19 gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, trong đó có chứng ho hậu COVID-19.
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương – Phụ trách khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh, trong Đông y, hoa đu đủ đực có vị đắng, tính bình, có công dụng trị ho khan, ho có đờm, ho gà, ho nhiều về đêm. Ngoài ra, loại hoa này cũng có công dụng trị viêm loét dạ dày, viêm họng, khàn tiếng, sỏi thận, viêm niệu đạo, tiểu rắt…
Trong khi đó, mật ong có tác dụng giảm ho tương tự như dextromethorphan (một thuốc tây y ức chế cơn ho hiệu quả). Do mật ong chứa nhiều vitamin và khoáng chất như vitamin A, E, C, canxi, sắt, mangan… có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn hiệu quả, đồng thời làm dịu vùng hầu họng.
Khi kết hợp các thành phần hoạt chất trong hoa đu đủ đực và mật ong có tác dụng trực tiếp, chống viêm tại vùng hầu họng, làm giảm phù nề tại chỗ.
Ngoài công dụng trị ho, hoa đu đủ đực ngâm mật ong còn có tác dụng điều trị viêm loét dạ dày, làm hạ đường huyết, cải thiện chức năng hệ tiêu hóa, hỗ trợ phòng tránh bệnh ung thư…
2. Cách ngâm
Chuẩn bị nguyên liệu:
- Hoa đu đủ đực tươi: 300g
- Mật ong: 1 lít
Ngâm sau 20 ngày có thể sử dụng được. Thời gian ngâm càng lâu càng tốt. Mỗi ngày sử dụng 2 – 3 lần. Mỗi lần 5-10ml uống trực tiếp.
Ngoài phương pháp ngâm, có thể dùng cách chưng sẽ nhanh sử dụng hơn như sau: Dùng hoa đu đủ đực 50g đun với 150ml nước, đun cạn còn 60ml nước. Hòa với 20ml mật ong. Chia ra uống sáng chiều. Vài ngày bệnh sẽ thuyên giảm.
3. Lưu ý khi sử dụng
Tuy hoa đu đủ đực ngâm mật ong có rất nhiều công dụng nhưng không nên lạm dụng. Phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 2 tuổi không nên dùng bởi trong hoa đu đủ đực có chất papain gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi. Thậm chí nếu dùng với liều cao sẽ gây sẩy thai.
Khi thấy hoa đu đủ đực ngâm mật ong có dấu hiệu hư hỏng, biến chất hoặc có mùi khó chịu thì cần ngưng sử dụng.
Không nên quá lạm dụng hoặc sử dụng quá nhiều để tránh ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Tốt nhất người bị ho hậu COVID-19 nên đến khám để được các bác sĩ tư vấn và điều trị hiệu quả.
(Theo Sức khỏe và Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế)